1. Tổng quan
Hiện tại có nhiều mô hình để triển khai hệ thống truyền thông hợp nhất Unified Communication, tuy nhiên với bất kì hệ thống truyền thông hợp nhất nào đều phải dựa trên một thiết bị trung tâm xử lý cuộc gọi, Cisco Unified Communications Manager.
Cisco Unified CallManager là thành phần xử lý cuộc gọi trong hệ thống truyền thông hợp nhất của Cisco. Cisco Unified CallManager mở rộng những tính năng thoại cho doanh nghiệp và những khả năng chuyển thành những thiết bị đóng gói cuộc gọi như là IP Phones, những thiết bị xử lý đa phương tiện, VoIP gateways, và những ứng dụng đa phương tiện. Hơn nữa những dịch vụ như hợp nhất messaging, hội thoại đa phương tiện, trung tâm liên lạc, và những phản hồi tương tác đa phương tiện với giải pháp IP telephony thông qua những giao tiếp lập trình ứng dụng (APIs) Cisco Unified CallManager.
2. Các ưu điểm và lợi ích của giải pháp
IP Telephony là một trong những giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu điện thoại trên mạng IP đồng thời vẫn duy trì khả năng giao tiếp với các mạng truyền thống khác như PSTN, ISDN.
Do vậy, việc trang bị hệ thống IP Telephony chính là sự chuẩn bị hữu hiệu để đáp ứng được với sự phát triển của công nghệ trong tương lai. Hệ thống IP Telephony sẽ đem lại các lợi ích như sau:
- Độ sẵn sàng cao: khả năng chạy dự phòng khi một phần hoặc toàn bộ thiết bị hư hỏng, hay khi ngưng hệ thống để bảo trì định kỳ.
- Tiết kiệm chi phí kết nối đường dài: công ty hay tổ chức áp dụng IP Telephony có thể giảm được cước phí điện thoại liên tỉnh hay quốc tế gọi qua mạng PSTN.
- Thông tin đảm bảo thông suốt: các thiết bị kết nối có thể phát hiện ra sự cố trên đường truyền và chuyển qua sử dụng đường truyền khác, đảm bảo thông tin giữa hai đầu luôn được duy trì một cách thông suốt.
Các ưu điểm nổi bật của hệ thống IP Telephony so với hệ thống PBX truyền thống:
- Softphone: là phần mềm chạy trên PC cung cấp chức năng của một điện thoại. Dịch vụ này giúp người sử dụng có thể thiết lập cuộc gọi, trả lời điện thoại trong khi vẫn đang làm việc trên máy tính.
- Meet-me Conference: là dịch vụ hội đàm có tính chất thường xuyên, định kỳ. Các thành viên tự động truy cập vào “phòng hội đàm” ở thời điểm đã thỏa thuận trước mà không cần có người làm nhiệm vụ kết nối.
- Truy cập Web: qua IP phone để lấy thông tin dạng XML trên trang Web đó. Trang Web này có thể là trang Web chứa các thông tin nội bộ của một công ty như cập nhật giá cả, chính sách…
- Mobile user: đây là tính năng vô cùng hữu hiệu cho các nhân viên có nhu cầu đi công tác thường xuyên. Từ chi nhánh của công ty ở khắp nơi trên thế giới, thông qua mạng WAN nhân viên đó có thể đăng ký vào mạng IP Telephony của cơ quan mình để sử dụng dịch vụ điện thoại giống như đang ở tại nơi làm việc thường xuyên của mình.
- Các dịch vụ mở rộng: IP Contact center: IVR, ICD, CTI…hệ thống hỗ trợ khách hàng, tự động trả lời cho phép các doanh nghiệp ngày nay hỗ trợ khách hàng tốt hơn trong môi trường cạnh tranh.
3. Các thành phần cơ bản hệ thống thoại trên nền IP
3.1 Thành phần tổng đài trung tâm
Trung tâm xử lý cuộc gọi Cisco Unified Communication Manager (tên gọi trước đây là Cisco CallManager hay còn gọi là Tổng đài IP) là trung tâm xử lý tất cả các cuộc gọi thoại cho mạng IP Telephony. Cisco Unified Communication Manager tăng cường khả năng của mạng thoại IP thông qua các thiết bị mạng như IP phone, thiết bị media processing, thiết bị VoIP gateway, các ứng dụng đa phương tiện.
Hơn nữa, Cisco Unified Communication Manager cho phép phân phối mọi IP phone, gateway và các ứng dụng thông qua mạng IP tạo thành mạng IP Telephony vơi đủ mọi thiết kế từ đơn lẻ (single), phân bổ (distributed) hay dạng ảo hóa (virtual). Số lượng user mà Cisco Unified Communication Manager quản lý tùy thuộc vào cấu trúc phần cứng cũng như phần mềm với số lượng tối đa lên đến hàng chục ngàn điện thoại và thiết bị Voice.
Mô hình UC của Cisco
3.2 Hệ thống Voice Gateway
Voice gateway cung cấp khả năng giao tiếp giữa các dạng giao thức báo tín hiệu điều khiển Voice với nhau. Chẳng hạn Voice Gateway cung cấp khả năng giao tiếp giữa các hệ thống Voice sử dụng giao thức H.323 với các hệ thống PBX sử dụng giao thức khác thông qua một hệ thống chuyển đổi giao thức. Cung cấp khả năng kết nối của hệ thống IP Telephony với hệ thống PSTN, các tổng đài PBX truyền thống hoặc kết nối đến các thiết bị analog phone hoặc máy fax.
Trong các dòng sản phẩn Cisco Voice Gateway thường được phân chia ra thành hai dạng:
- Analog Gateway: Dưới đây là 2 dạng thiết bị Analog Gateway thường gặp:
- Các thiết bị Analog station gateway cung cấp kết nối giữa mạng IP Telephony với hệ thống thoại bưu điện truyền thống (POTS).
- Các thiết bị Analog Gateway kết nối đến các line trung kế, cung cấp giao diện kết nối giữa hệ thống IP Telephony với các CO Switch của mạng PSTN, hoặc kết nối đến các hệ thống PBX khác.
- Digital gateways: Các thiết bị digital gateway cũng là các thiết bị cung cấp giao tiếp giữa hệ thống mạng IP Telephonyh với mạng PSTN hoặc các hệ thống PBX thông qua các đường trung kế digital.
3.3 Hệ thống Gatekeeper
Gatekeeper là một thiết bị H.323 cung cấp dịch vụ kiểm soát cuộc gọi đến các điểm đầu cuối và chuyển địa chỉ giữa E.164 và danh sách điện thoại. Gatekeeper sẽ quản lý băng thông vào và ra giữa các trung tâm và giữa các zone. Gatekeeper sẽ cung cấp các dịch vụ sau:
- Address translation: thực hiện việc chuyển địa chỉ E.164 và danh sách điện thoại
- Quản lý các cuộc gọi ra, vào từng vùng và từng công ty thành viên
- Hỗ trợ không giới hạn số lượng sites.
Các thiết bị đầu cuối (cho dịch vụ voice) sẽ được cấu hình để tự động tìm kiếm gatekeeper (gatekeeper discovery) thông qua sending multicast gatekeeper request (GRQ).
3.4 Hệ thống Endpoint
Các thiết bị giao tiếp đầu cuối bao gồm điện thoại bàn, phần mềm thoại được cài trên các máy tính PC và mỗi thiết bị này đều có các kết nối Ethernet. Chi tiết các thiết bị như sau:
- Điện thoại IP cho phép thực hiện trực tiếp các cuộc thoại IP.
- Điện thoại IP phone dùng phần mềm: đây chính là các ứng dụng thoại được cài vào máy tính PC người dùng và có đầy đủ tính năng của điện thoại như lưu vết các cuộc gọi, quay số ….
- Thiết bị thoại Video đầu cuối: bao gồm camera liên kết với máy tính có khả năng tương thích hoàn toàn với Cisco Unified Communication Manager. Khi máy tính PC người dùng được kết nối vật lý đến Cisco IP phone, người dùng có thể thiết lập cuộc gọi có hình ảnh.
- Điện thoại IP không dây: cho phép liên kết thoại không dây với các thiết bị khác thông qua hệ thống mạng không dây theo các chuẩn 802.11.
- Điện thoại đi động: ngoài tính năng hỗ trợ nhận và thực hiện các cuộc gọi từ mạng GSM thông thường thông qua Simcard, các dòng điện thoại này còn hỗ trợ Dual-mode (có hỗ trợ wifi), khi đó thông qua sóng wifi trong tòa nhà các điện thoại này đăng ký với Cisco Unified Communication Manager và trở thành chiếc điện thoại để bàn và mỗi nhân viên đều có thể đi bất kỳ nơi nào trong vùng wifi mà không phải bỏ lỡ cuộc gọi nào khi có người gọi điện đến số để bàn của mình.
4. Các mô hình triển khai VoIP
Hiện tại có nhiều mô hình để triển khai hệ thống truyền thông hợp nhất Unified Communication, tuy nhiên với bất kì hệ thống truyền thông hợp nhất nào đều phải dựa trên một thiết bị trung tâm xử lý cuộc gọi, Cisco Unified Communications Manager. Đây là hệ thống xử lý trung tâm cho toàn bộ hệ thống Unified Communcation của hãng Cisco.
Dưới đây là một số mô hình triển khai hệ thống IP Telephony dựa trên nền tảng:
Mô hình Single Site
Mô hình triển khai hệ thống Cisco Unified Communication single site bao gồm một trung tâm xử lý cuộc gọi được đặt duy nhất tại một site. Các dịch vụ IP Telephony sẽ không cung cấp thông qua môi trường mạng WAN. Đối với mô hình triển khai này toàn bộ thiết bị phục vụ cho hệ thống IP Telephony bao gồm hệ thống tổng đài, hệ thống voice gateway, hệ thống Endpoint đều được đặt tại một site trung tâm, các dữ liệu voice sẽ chỉ tập trung tại một điểm duy nhất.
Với mô hình triển khai Single Site sẽ cung cấp tính có sẵn cao, khả năng tận dụng cơ sở hạ tầng mạng có sẵn. Khi sử dụng mô hình Single Site, hệ thống có thể hoàn toàn sử dụng chuẩn Codec G.711 cho các dịch vụ thoại, do các dữ liệu thoại không phải đi qua môi trường mạng WAN, nơi có nhiều hạn chế về vấn đề băng thông.
Tuy nhiên khi triển khai hệ thống IP Telephony theo mô hình Single Site, các dịch vụ VoIP chỉ tập trung tại một điểm mà không có sự phân tán ra các chi nhánh hoặc các phòng giao dịch khác.
Mô hình Multi-Site với trung tâm xử lý cuộc gọi tập trung
Mô hình triển khai Multi-Site được thiết kế theo nguyên tắc có một trung tâm xử lý cuộc gọi được đặt tại hội sở, cung cấp các dịch vụ VoIP cho các site ở xa kết nối đến thông qua hạ tầng mạng IP WAN. Hệ thống mạng WAN sẽ đảm nhiệm việc vận chuyển các traffic VoIP giữa site trung tâm và các site ở xa. Các remote site sẽ dựa vào hệ thống Cisco Unified Communication Manager được triển khai dưới dạng Cluster để sử dụng các dịch vụ như Voice Mail, IVR (interactive voice response). Các ứng dụng này thường được đặt tại một Site trung tâm cùng với Cisco Unified Communication Manager để giảm công sức quản trị và bảo trì.
Mô hình giao tiếp đa điểm xử lý cuộc gọi phân tán
Mô hình này chỉ được áp dụng khi một Cisco Unified Communication Manager Cluster không đủ lớn và mạnh để hỗ trợ cho toàn bộ hệ thống hoặc do điều kiện địa lý, hoặc về mặt tổ chức. Mô hình này bao gồm các Cisco Unified Communication Manager cluster kết nối lẫn nhau thông qua đường trunk H.323. Khi đó mỗi một Cisco Unified Communication Manager Cluster sẽ bao gồm các Cisco Unified Communication Manager, gateway, gatekeeper, MCU, thiết bị đầu cuối endpoint, các ứng dụng. Ngoài ra, tính năng quản lý chất lượng dịch vụ QoS phải được áp dụng lên các kết nối WAN giữa các site.